6 nguồn khí độc trong nhà gây ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình
Không gian sống nhà bạn có thực sự an toàn? Bạn đã biết 6 loại nguồn khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà – thủ phạm âm thầm gây ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài? Theo dõi bài viết hôm nay để tìm hiểu về 6 loại khí độc này và cách loại bỏ chúng hiệu quả nhé.
1. Khí độc phát thải từ bếp nấu
Các loại nhiên liệu phổ biến như than, dầu hỏa, khí ga khi cháy sẽ sinh ra các khí độc hại như CO, CO2, NO2… gây ảnh hưởng hệ thần kinh, đường hô hấp. Nguy hiểm hơn, các loại nhiên liệu này khi cháy còn có thể sinh ra Benzopyren, chất gây ung thư mạnh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ: sử dụng khí ga nấu ăn làm không khí trong nhà bị ô nhiễm gấp 2-5 lần so với không khí môi trường bình thường. Chưa hết, khí ga còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy nổ hay ngộ độc.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà – bếp gas làm ô nhiễm không khí ngay cả khi tắt bếp
2. Khí độc phát thải từ nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh không chỉ là môi trường dễ sinh sôi vi khuẩn, ẩm mốc mà còn thường xuyên tồn tại các loại khí như CH4 (Metan), NH3 (Amoniac), CO2, H2S (Hidro Sunfua)… Những loại khí này vừa độc hại với sức khỏe, vừa có mùi khó chịu, nếu không chú ý vấn đề vệ sinh, diệt khuẩn, thoáng khí sẽ làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hằng ngày của cả nhà.
Nhà vệ sinh có thể ẩn chứa nhiều khí độc gây hại nếu không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên (Ảnh minh họa)
3. Khí độc phát thải từ vật liệu xây dựng
Đồ nội thất sử dụng các loại vật liệu xây dựng như gỗ công nghiệp, sơn phủ có chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC (Volatile Organic Compound) bao gồm Formaldehyde, Benzen, Perchloroethylene… sẽ phát thải khí độc hại vào không gian sống trong thời gian dài. Chúng gây hại đến hệ hô hấp, mắt, mũi, họng, hệ thần kinh trung ương, gan, thận. Thậm chí là tác nhân gây ra ung thư nếu bạn tiếp xúc với VOC mức độ cao trong thời gian dài.
Khí độc cũng có thể phát thải từ đồ nội thất, từ tường, trần… nếu sử dụng vật liệu xây dựng kém chất lượng (Ảnh minh họa)
4. Khí độc phát thải từ sơn kém chất lượng
Khí độc phát thải từ sơn nhà không phải là vấn đề mới nhưng vì bài toán chi phí mà nhiều người vẫn lựa chọn sơn giá rẻ, không đảm bảo chất lượng. Nhất là khi những tác động từ sơn kém chất lượng không phải ngay lập tức mà thấy rõ.
Trong sơn kém chất lượng thường có hàm lượng VOC cao, chì, thủy ngân và nhiều chất độc hại khác. Sau khi sơn hoàn thiện, các loại khí độc này sẽ phát thải từ những bức tường, ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp và gây nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Màu sơn phải đẹp và chất lượng nếu không sẽ là nguồn phát thải khí độc trong nhà (Ảnh minh họa)
5. Khí độc phát thải từ các chất tẩy rửa làm sạch
Nhiều sản phẩm lau nhà, tẩy rửa… chứa các hợp chất gây hại. Nhất là khi chúng được kết hợp với nhau, tạo phản ứng hóa học, làm không khí bị ảnh hưởng. Bạn nên thận trọng với các sản phẩm hóa chất có nồng độ tẩy rửa cao, có mùi thơm và thay thế bằng nguyên liệu tự nhiên như baking soda, nước muối, giấm chua…
Nhiều hóa chất tẩy rửa có mùi phát thải khí độc trong quá trình sử dụng
6. Khí độc phát thải từ nến thơm, tinh dầu và đốt than sưởi ấm
Nhiều loại nến, tinh dầu không rõ nguồn gốc, giá rẻ được làm từ hợp chất hóa học khi đốt sẽ thải ra chất Formaldehyde vô cùng độc hại. Nến cũng là nguyên nhân tạo ra hạt bụi mịn trong nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường hô hấp.
Đốt than sưởi ấm cũng là một hình thức nguy hiểm, được cảnh báo bằng những câu chuyện thực tế đau lòng. Nhưng nhiều gia đình vẫn đóng kín cửa, đốt than sưởi ấm vào mùa giá rét. Ngộ độc khí, ngạt khí diễn ra rất nhanh và không phải khi nào cũng phát hiện kịp thời. Hầu hết các trường hợp đều hôn mê sâu trong giấc ngủ và qua đời.
Các dấu hiệu sức khỏe tiềm tàng có thể do khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà như nến thơm, tinh dầu nguồn gốc hóa học
Biện pháp giảm thiểu khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà
– Đầu tư đồ nội thất, phụ kiện, các loại vật liệu xây dựng chất lượng. Dù giá thành nhỉnh hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhưng đảm bảo sức khỏe cho gia đình về lâu dài. Các sản phẩm này đã được kiểm tra, kiểm định hàm lượng chất có khả năng gây hại ở hạn mức cho phép hoặc được sản xuất từ nguyên liệu sạch, nguyên liệu hữu cơ.
– Thiết kế hệ thống thông gió xuyên suốt toàn nhà để thúc đẩy lưu thông không khí trong nhà, nhất là ở khu bếp và nhà vệ sinh – những không gian diện tích nhỏ. Bạn có thể cân nhắc lắp thêm máy lọc không khí, máy cảm biến khí độc để cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
– Thường xuyên dọn dẹp, lau chùi, giữ vệ sinh nhà cửa để hạn chế tối đa các loại vi khuẩn, nấm mốc hoặc khí độc tích tụ. Khi lau dọn nhà, mở cửa đón ánh nắng tự nhiên vào nhà cũng là một gợi ý hữu ích.
Ánh nắng là “kẻ thù” của các loại khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà. (Ảnh minh họa)
– Hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hóa học, các loại nến thơm, tinh dầu… không rõ nguồn gốc. Khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, hương liệu thiên nhiên thay thế để đảm bảo sức khỏe.
– Không đốt than sưởi ấm trong phòng kín hoặc sử dụng các loại bếp củi, khí ga phát thải ra môi trường khí độc. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bếp điện, bếp ga chất lượng và an toàn, mức giá vừa phải, nếu nhà bạn vẫn đang nấu bếp củi, có thể cân nhắc để đầu tư.
– Trồng nhiều cây xanh có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà để không gian trong lành, an toàn hơn.
Cây xanh giống như một “bộ lọc tự nhiên” giúp thanh lọc không khí trong nhà
>>> Xem thêm: 9 loại cây thủy sinh cải thiện không khí nên trồng trong nhà
Hy vọng những thông tin về 6 loại khí độc phát thải từ đồ vật trong nhà cùng cách “xử lý” chúng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt, mua sắm đồ đạc, vật dụng… để cả nhà luôn khỏe mạnh, bình an. Chia sẻ thông tin này tới mọi người hoặc để lại bình luận về giải pháp giảm thiểu khí độc hại mà gia đình bạn đang áp dụng nhé.