7 lỗi dễ gặp khi tự thiết kế và thi công nhà bếp
Không gian bếp luôn có vai trò quan trọng trong ngôi nhà bởi vậy gia chủ rất quan tâm, chú trọng đến việc thiết kế và thi công nhà bếp sao cho vừa đẹp vừa tiện lợi. Tuy nhiên vẫn có những lỗi thiết kế và thi công chưa hợp lý, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thẩm mỹ của khu bếp.
1. Tam giác hoạt động trong bếp không hợp lý
Có ba khu vực trong bếp tạo thành tam giác hoạt động và di chuyển của người nội trợ gồm: Khu vực sơ chế làm sạch thực phẩm (bồn rửa, vòi rửa); khu vực chế biến (nơi đặt bếp nấu, máy hút mùi) và khu vực lưu trữ (chạn bát, tủ lạnh, tủ đồ khô…)
Ba khu vực này tạo nên tam giác hoạt động, nếu thiết kế quá xa nhau sẽ mất thời gian di chuyển, nếu quá gần lại khiến không gian nấu nướng chật hẹp. Bởi vậy khi thiết kế, làm sao bố trí cho khoảng cách ba khu vực trên hợp lý nhất dựa vào diện tích cũng như kết cấu phòng bếp.
2. Khoảng cách cho chỗ để mũi chân chưa hợp lý
Chi tiết này ít người để ý tới, tuy nhiên nó lại khá quan trọng để tạo sự thuận tiện cũng như thoải mái cho những người thường xuyên hoạt động tại khu vực bếp. Khoảng cách tốt nhất là cánh tủ bếp cách mặt sàn 80-100 mm và sâu vào 50-70 mm.
3. Sử dụng không hiệu quả góc chết tủ bếp
Thông thường cấu trúc của một hệ tủ bếp sẽ theo các hình dạng: hình chữ I, L hoặc chữ U. Với gian bếp chữ L có một góc chết, chữ U sẽ có hai góc hoặc một góc chết tùy vào cách bày trí. Những góc tủ bếp thường khó sử dụng bởi xa tầm với.
Bởi vậy, nên sử dụng những phụ kiện xoay góc hoặc bản lề ray kéo vuông góc tủ bếp để đạt được hiệu quả tối đa trong việc sử dụng. Ví dụ sử dụng giá liên hoàn, được thiết kế giúp dễ dàng mở tủ và trình các đồ dụng bếp chứa bên trong góc tủ bếp ra ngoài. Ngoài ra có thể sử dụng mâm xoay phụ kiện, một thiết kế tối giản dùng đựng các vật dụng như nồi, chảo, xoong, chén, bát.. giúp việc mở cánh tủ trở nên dễ dàng và êm ái.
4. Thiếu ánh sáng
Nhiều người lắp đèn nhà bếp sai vị trí. Điều này không chỉ khiến cho không gian thiếu những vị trí chiếu sáng cần thiết mà không tạo được điểm nhấn tốt nhất. Ánh sáng từ trên trần luôn bị khuất bởi tủ bếp trên. Giải pháp đúng là lắp đèn led dây, led thanh ngay dưới tủ bếp trên. Nên sử dụng ánh sáng đèn led có độ phát sáng vừa đủ, kết hợp hai nguồn sáng vàng và trắng để có môi trường ánh sáng dễ chịu nhất.
5. Bố trí sai vị trí hoặc thiếu ổ cắm điện
Cần định hình trước những thiết bị điện sẽ sử dụng trong bếp thì dễ dàng bố trí số lượng ổ cắm hợp lý. Nên ghi nhớ, ổ cắm điện trong bếp cách sàn 130 cm và cách bếp nấu ít nhất 50 cm.
Nên lắp một ổ cắm ở gần máy hút mùi và bếp, hai ổ dưới bồn rửa chén để lắp máy lọc nước và thiết bị khác. Ở vị trí lò vi sóng, lò nướng… cũng cần hai ổ cắm nữa. Vị trí tủ lạnh, nên bố trí ổ cắm ở phía sau. Khu vực bàn ăn cũng cần hai ổ cắm để cắm nồi điện, quạt, bếp từ ăn lẩu… Khu vực cắm nồi cơm, ấm đun nước, máy xay sinh tổ nên lắp bộ ổ điện gồm 4-5 lỗ.
6. Xử lý hệ thống nước thải trong nhà bếp
Khi đi đường ống nước trong nhà bếp, phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:
– Tuyệt đối không được nối chữ T và X khi lắp đặt nối đường ống hệ thống nước thải.
– Hạn chế tối đa sử dụng các mối nối phức tạp, đặc biệt là cho đường ống nằm ngang.
– Không được dùng “cút góc” (phụ kiện được sử dụng đấu nối đường ống tại các điểm đường ống đi theo các góc 90 độ) mà dùng “chếch góc” (phụ kiện ống sử dụng kết nối đường ống thiết kế với góc nghiêng 45 độ)
– Mỗi thiết bị máy móc cần có bẫy nước ngăn mùi, được sử dụng để ngăn chặn sự xâm nhập của mùi khó chịu từ hệ thống thoát nước. Cần lưu ý hệ thống rọ lọc tách mỡ ở khu vực chậu rửa tránh xả thẳng vào đường thoát, vì mỡ sẽ bám vào thành ống, lâu ngày làm tắc ống thoát.
7. Sử dụng vật liệu trong nhà bếp
Việc lựa chọn vật liệu trong nhà bếp rất quan trọng bởi đây là nơi thường xuyên va chạm và tiếp xúc với nước, tiềm ẩn các nguy cơ về mối mọt ẩm mốc.
Một căn bếp hoàn chỉnh cần đáp ứng 3 yếu tố: thẩm mỹ- công năng- độ bền. Trong đó, chất lượng sản phẩm nội thất được quyết định bởi chất lượng dòng vật liệu tạo nên nó. Vì vậy khi lựa chọn vật liệu nội thất cần lưu ý chọn các dòng vật liệu có tuổi thọ cao, không bị giãn nở hay co ngót khi thời tiết thay đổi.